Theo định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, trong tương lai huyện Mê Linh sẽ nằm trong khu vực TP trực thuộc Thủ đô Hà Nội.
Sơ đồ quy hoạch Vùng huyện Mê Linh
Để chủ động tạo tiền đề hiện thực hóa mục tiêu, địa phương đang từng bước hoàn thiện Quy hoạch xây dựng vùng huyện để đưa ra tầm nhìn, chiến lược và định hướng tạo ra sự phát triển đột phá trong thời gian tới.
Một phần của Thành phố trực thuộc Thủ đô
UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, trong đó có phương án quy hoạch 2 TP trong TP Hà Nội. Cụ thể, TP ở phía Bắc sông Hồng (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai). Với TP phía Bắc sông Hồng bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh.
TP này định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân – Nội Bài, tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh.
Theo các chuyên gia, khu vực TP phía Bắc sông Hồng hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực tăng trưởng mới cho Thủ đô. Do đó, các huyện hiện nay được định hướng nâng cấp huyện lên thành quận hoặc TP trực thuộc Thủ đô cần xác định rõ vị thế, nghiên cứu mọi tiềm năng để phát triển bứt phá. Nhất là huyện Mê Linh được đánh giá có vị trí hết sức đặc biệt khi là địa phận hành chính gần sân bay Nội Bài với khoảng cách chỉ 8km.
Trên địa bàn huyện có đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua, đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc; đường Bắc Thăng Long – Nội Bài; đường sắt Hà Nội Lào Cai… Thời gian tới còn có các tuyến giao thông lớn được xây dựng đi qua huyện như: Đường Vành đai 4 (dài 11,2km) – cầu Hồng Hà; đường Vành đai 3,5 – cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong – Tự Lập; đường Cảng Chu Phan – Quốc lộ 2; đường đê sông Hồng (dài 21km); tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 7)… Ngoài ra, đây cũng là huyện nằm sát con sông Hồng là trục không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử… Và tiềm năng lớn nhất để Mê Linh phát triển không gian là nguồn đất đai rộng lớn với 7.000ha đất đô thị.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính có đôi lời khuyến nghị: “Huyện Mê Linh và các đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, tính toán để có một bản quy hoạch xứng với vị trí đặc biệt quan trọng của mình đối với Hà Nội, hướng tới trở thành vùng phát triển của Thủ đô. Đồng thời, nhắm tới mục tiêu nâng cấp lên quận hoặc là một phần của TP trực thuộc Thủ đô trong tương lai”.
Phát triển đô thị “nén”
Các chuyên gia nhìn nhận với lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, văn hóa, Mê Linh còn đóng vai trò kết nối giữa Hà Nội với các khu vực trung tâm trong vùng Thủ đô nên cần phát huy lợi thế này bằng hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
TS Hán Minh Cường viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – AIST
Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – AIST, TS Hán Minh Cường cho rằng, Mê Linh cần phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng – mô hình TOD. Đây là bài toán cần phải được nghiên cứu trong quy hoạch vùng huyện Mê Linh. Theo vị chuyên gia, Mê Linh muốn phát triển được phải kết nối giao thông mạnh mẽ trong các chuỗi đô thị phía bắc sông Hồng; mô hình TOD là hạt nhân cho sự phát triển các khu đô thị, công nghiệp công nghệ cao, các khu vực logistics gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mà Mê Linh có lợi thế cạnh tranh.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Vietjet Air đề xuất đẩy mạnh mô hình TOD trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đồng thời đề nghị huyện Mê Linh báo cáo với TP Hà Nội, Bộ GTVT để kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các tuyến đường quy hoạch của huyện. Bên cạnh đó, đại diện Vietjet Air cho biết, nhận thấy tiềm năng lợi thế về logistics là thế mạnh của Mê Linh với khoảng cách 8km đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được quy hoạch đến năm 2030 đạt năng lực tiếp nhận 100 triệu hành khách/năm. Do đó, Mê Linh cần thiết trở thành một trung tâm logistics mang tầm cỡ quốc tế, là nơi trung chuyển hàng hóa quốc tế qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Cùng bày tỏ mong muốn xây dựng Mê Linh thành một đô thị sinh thái dựa trên lợi thế là vùng trồng hoa nổi tiếng, PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị cần quy hoạch Mê Linh thành đô thị hoa, biến nông nghiệp Mê Linh thành nông nghiệp đô thị, nông nghiệp trải nghiệm. “Khi đó giá trị của hoa ở Mê Linh không chỉ là giá trị của việc bán một bông hoa, mà còn là giá trị thu hút du lịch, giá trị văn hóa” – PGS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Để lại một bình luận