”Hạnh phúc” là gì và điều gì có thể tác động và làm nên hạnh phúc trong khả năng kiểm soát bởi các hành vi và suy nghĩ của chúng ta?
Hạnh phúc theo cách hiểu đơn giản có thể xem là một trạng thái cảm xúc tích cực và thoải mái khi 1 người cảm thấy được sự thoả mãn, hài lòng và có được niềm vui một cách sâu sắc. Hạnh phúc có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm đạt được các mục tiêu cá nhân, có mối quan hệ lành mạnh với bạn bè và gia đình, thực hiện các hoạt động mình yêu thích, hay cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Mỗi người có thể định nghĩa và trải nghiệm hạnh phúc theo cách khác nhau, phụ thuộc vào các giá trị, mong đợi và hoàn cảnh cá nhân của mình.
Aristole – triết học gia lỗi lạc của Hy Lạp cổ đại cho rằng, hạnh phúc là mục đích cuối cùng mà con người tìm kiếm, là lối sống đúng đắn và những đức hạnh tốt, hướng đến cái đích thiện hảo. Nhưng thực tế cuộc sống không phải dễ dàng cho việc theo đuổi những mục tiêu, kế hoạch dài hạn để có được hạnh phúc. Vậy có thể đạt được hạnh phúc (dù là ngắn hạn) trong khả năng kiểm soát của mình hay không? Có thể “học” được việc tạo ra hạnh phúc tức thì hay không? Câu trả lời là có nếu như xem xét hạnh phúc dưới góc nhìn sinh học với những ảnh hưởng của các hóc môn hoặc chất dẫn truyền thần kinh gọi là “hormone hạnh phúc” tham gia vào các quá trình tạo ra sự hưng phấn, vui vẻ như: Dopamine, Oxytoxin, Serotonin, Endorphins, GABA, Glutamate…
Hormone Hạnh phúc là gì
Khi định nghĩa hạnh phúc từ khía cạnh sinh học, 4 loại hormone hạnh phúc (D.O.S.E) thông qua các hormone như dopamine, oxytocin, serotonin và endorphins, thì hạnh phúc có thể được hiểu là một trạng thái được thúc đẩy và duy trì bởi các hoạt động hóa học diễn ra trong não. Mỗi hormone này đóng một vai trò riêng trong việc cảm nhận và tạo ra cảm giác hạnh phúc:
1. Dopamine: Thường được gọi là “hormone của cảm giác thưởng”, dopamine liên quan đến việc cảm nhận niềm vui và sự thưởng thức, cũng như động lực và sự tập trung. Việc giải phóng dopamine khi chúng ta đạt được một mục tiêu hoặc khi tham gia vào các hoạt động thú vị giúp tạo ra cảm giác thích thú và phấn khích. Dopamine đôi khi còn được xem là hormone góp phần tạo ra các hành vi “gây nghiện” vì cảm giác thôi thúc muốn lặp lại hành động để đạt được những “phần thưởng” hoặc những kết quả bất ngờ mang lại sự hưng phấn và dễ chịu sau đó. Như vậy, chìa khóa để tạo ra Dopamine một cách dễ dàng nhất là khiến cho bộ não tin rằng mình vừa đạt được một “thành tựu”. Có một cách có thể giúp tăng Dopamine như:
– Tạo danh sách các việc cần làm theo To-do-list và hoàn thành lần lượt các nhiệm vụ đó
– Các công việc dù nhỏ được thực hiện mỗi ngày như: dọn dẹp nhà cửa, ngủ sâu mỗi ngày, tắm nước lạnh, đọc vài trang sách, tập thể dục… cũng rất hiệu quả trong việc tăng lượng dopamine trong não
– Ăn sữa chua, trứng, đậu, hạnh nhân, các loại phô mai và thịt có hàm lượng chất béo thấp liên quan đến việc giải phóng dopamine (các thực phẩm giàu Tyrosine giúp tăng các thụ thể dopamine vì tyrosine là tiền chất của dopamine)
2. Oxytocin: Đôi khi được gọi là “hormone của tình yêu”, do thùy sau tuyến yên sản xuất, là một nội tiết tố quan trọng trong cơ thể, có ở cả nam và nữ. Oxytocin được giải phóng khi có các tương tác xã hội, chạm vào hoặc ôm ấp. Hormone này thúc đẩy cảm giác gắn kết và tin tưởng giữa các cá nhân, đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ. Bí quyết để tạo ra Oxytocin có thể thông qua các hành động như:
- Ôm ấp và dành thời gian với người thân và bạn bè
– Vuốt ve thú cưng
– Nghe nhạc
– Tạo ra những điều lãng mạn cho người mình yêu
3. Serotonin: Đây là một chất dẫn truyền thần kinh có liên quan mật thiết đến việc điều chỉnh tâm trạng. Mức độ serotonin cao có liên quan đến việc giảm lo âu và trầm cảm, cũng như cảm giác hạnh phúc và đạt được. Serotonin còn giúp điều chỉnh giấc ngủ, ăn uống và tiêu hóa. Một số cách sau đây có thể thực hiện mỗi ngày để hỗ trợ sản xuất serotonin trong cơ thể:
– Ăn thực phẩm giàu tryptophan: Tryptophan là một axit amin thiết yếu mà cơ thể sử dụng để tạo serotonin. Thực phẩm giàu tryptophan bao gồm cá, trứng, phô mai, gà tây, nấm, đậu nành, và hạt.
– Có chế độ ăn ổn định, giàu carbohydrate hợp lý: Carbohydrate giúp tăng mức tryptophan trong máu, đó là tiền chất của serotonin. Tuy nhiên, nên chọn carbohydrate lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, và rau.
– Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Ánh sáng mặt trời giúp điều chỉnh nhiều hoạt động sinh học, bao gồm cả sản xuất serotonin. Cố gắng dành ít nhất 20-30 phút mỗi ngày dưới ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là vào buổi sáng.
– Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất mà còn có thể hỗ trợ tăng cường mức serotonin. Hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, bơi lội, hay đi xe đạp có thể có lợi.
– Quản lý stress: Stress có thể làm giảm mức serotonin. Thực hành các kỹ thuật quản lý stress như thiền, yoga, hoặc việc sử dụng các phương pháp thư giãn có hệ thống có thể giúp cải thiện tình trạng này.
– Duy trì một lịch trình ngủ đều đặn: Chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng đến mức serotonin. Cố gắng duy trì một lịch trình ngủ đều đặn và đảm bảo ngủ đủ giấc.
4. Endorphins: Được biết đến như những chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, endorphins được giải phóng trong lúc tập thể dục, cười lớn và tham gia vào các hoạt động khác. Chúng giúp giảm đau và cảm giác vui vẻ, tạo ra một cảm giác thăng hoa tự nhiên không cần dùng “thuốc”, đôi khi được miêu tả như là một cảm giác phấn khích.
Ngoài các lại hormone trên, 1 số chất dẫn truyền thần kinh như GABA (Gamma-aminobutyric acid), một chất dẫn truyền thần kinh ức chế, giúp làm dịu hệ thần kinh và có thể giúp cải thiện tâm trạng bằng cách giảm lo lắng và stress hoặc Glutamate, chất dẫn truyền thần kinh chính thúc đẩy hoạt động thần kinh, glutamate liên quan đến các quá trình học tập và nhớ lâu. Mặc dù không trực tiếp gây ra cảm giác hạnh phúc, nhưng nó có vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng thần kinh tốt, có thể dẫn đến cảm giác tự tin và thành tựu.
Những chất dẫn truyền thần kinh này có thể được tạo ra thông qua các hoạt động như tập thể dục, thiền định, tham gia các trò chơi thử thách trí tuệ…
Trên đây là những cách mà chúng ta có thể kiểm soát việc tạo ra hạnh phúc thông qua kiểm soát lượng hormone trong cơ thể mỗi ngày. Mặc dù vậy chúng ta cũng không nên nhầm lẫn những cảm giác về sự khoái lạc hay niềm vui ngắn hạn với cảm giác hạnh phúc đích thực hay hơn nữa là sự an lạc trong tâm hồn. Để đạt được trạng thái hạnh phúc đích thực rõ ràng chúng ta cần có sự luyện tập có chủ đích cùng những triết lý, quan điểm sống cũng như niềm tin cá nhân hướng tới các giá trị nhân văn, duy trì các mối quan hệ lành mạnh và bền chặt, và không ngừng phấn đấu để đóng góp tích cực vào cộng đồng và xã hội.
Cuối cùng, chúng ta nên nhận thức rằng hạnh phúc không phải là điều gì đó có thể đạt được một cách nhanh chóng hay dễ dàng như tạo ra hormone trong cơ thể. Đó là một hành trình liên tục đòi hỏi sự cam kết và kiên trì, cũng như khả năng đối mặt và vượt qua những thách thức cá nhân và chung quanh ta. Bằng cách tự học hỏi, chấp nhận và trân trọng từng khoảnh khắc, chúng ta có thể dần dần khám phá và thực hành con đường đến với hạnh phúc đích thực.
Trả lời