Golf là môn thể thao có lịch sử lâu đời với hơn 600 năm phát triển. Khởi nguồn từ Scotland, Golf ngày nay đã trở nên thịnh hành và phát triển mạnh mẽ tại Mỹ và các quốc gia châu Âu. Tại châu Á thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan là những nước có số lượng người chơi đông nhất và có số lượng sân golf lớn nhất.
Du nhập vào Việt Nam từ năm 1930 với sân golf đầu tiên là sân Đồi Cù (Đà Lạt), đến nay, phong trào chơi golf và đầu tư vào các dịch vụ golf đã và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người chơi cũng như các sân golf mới được xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác. Một số thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có gần 150.000 người chơi golf và 80 sân golf đang trong quá trình khai thác, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc với 25 sân (rải rác tại các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình,… )
Nhìn từ thực tế hoạt động của các sân golf tại Việt Nam có thể thấy Golf đang có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, cùng với đó là những đóng góp đối với việc phát triển du lịch và văn hoá. Theo thống kê từ Hiệp hội du lịch golf Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch golf trong số 6,6 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ví dụ như tại tỉnh Vĩnh Phúc – địa phương có 4 sân golf nổi tiếng là Đầm Vạc, Tam Đảo, Đại Lải, Thanh Lanh và sở hữu cơ sở hạ tầng sân golf hiện đại nhất tại miền Bắc. Với tiềm năng, lợi thế vốn có, nhiều năm trở lại đây, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm du lịch kết hợp thể thao golf thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Số liệu thống kê cho hay, giai đoạn từ tháng 11/2022 – 3/2023, đã có gần 3.000 golfer (người chơi golf) từ Hàn Quốc đến Vĩnh Phúc trải nghiệm, sử dụng sản phẩm du lịch này và đóng góp không nhỏ vào ngân sách tỉnh, tạo ra việc làm cho số lượng lớn lao động.
Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của Golf, tuy nhiên khi mà Golf từ trào lưu của một môn thể thao rèn luyện sức khoẻ của một bộ phận những người có thu nhập cao, nay trở thành lĩnh vực mà nhiều địa phương đang xác định sẽ là một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội của thời kỳ tới (thông qua việc việc hoạch hàng loạt sân golf trong quy hoạch tỉnh), thì rõ ràng cần xem xét một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng các vấn đề có liên quan, đặc biệt là những tác động của việc phát triển golf tới môi trường, tài nguyên, an ninh lương thực…
Vậy đâu là cơ hội và nguy cơ tiềm ẩn ra sao đối với việc quy hoạch và phát triển Golf tại Việt Nam trong thời gian tới?
Quy hoạch sân golf – Cơ hội nào cho sự phát triển?
Golf hiện được chơi ở 206 trên tổng số 251 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo thống kê của The R&A và Sports Marketing Surveys (SMS), đến cuối năm 2021, cả thế giới có 66,6 triệu người chơi golf, trong đó riêng châu Á có khoảng 23,3 triệu người chơi. Những quốc gia phát triển Golf nhất tại Châu Á là: Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Nhật Bản hiện có khoảng 14 triệu người, Hàn Quốc có hơn 5,6 triệu người chơi golf.
Các hoạt động từ du lịch golf được xác định là có những đóng góp nhất định vào kinh tế địa phương. Theo một điều tra của KPMG, khách du lịch golf tham gia các golf tour khoảng cách di chuyển đến điểm đến gần (short – haul) có chuyến đi kéo dài khoảng 3-4 ngày. Với các điểm đến xa (long – haul), chuyến đi có thể kéo dài từ 1-2 tuần. Đặc điểm này cho thấy, bên cạnh khả năng chi tiêu cao, khách du lịch golf còn là tệp khách hàng rất tiềm năng về dịch vụ lưu trú dài ngày.
Tổ chức du lịch golf thế giới (IAGTO) cũng đánh giá: Khách du lịch golf thường có mức chi tiêu nhiều gấp 2 lần so với khách du lịch thông thường, và du lịch golf hiện đang xếp thứ 3 về khuyến khích chi tiêu du lịch tại châu Á. Theo đó, trước khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch do Covid-19, ngành kinh doanh du lịch golf tại Việt Nam từng mang lại doanh thu gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm.
Với nhiều vùng mang đặc điểm địa hình bán sa mạc, đồi núi hùng vĩ, đường bờ biển dài với các bãi biển đẹp, cảnh quan đa dạng, hệ sinh thái phong phú và khí hậu nhiệt đới nắng quanh năm… Việt Nam sở hữu những tiềm năng và điều kiện lý tưởng để phát triển golf. Đặc biệt, với mức chi phí dịch vụ phải chăng, các sân golf tại Việt Nam dần trở thành điểm đến ưa thích của các golfer trên khắp thế giới, đặc biệt là các khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong 2 năm 2019 và 2021, Việt Nam được Tổ chức Golf World Award bình chọn là điểm đến golf tốt nhất thế giới và 5 năm liên tục (kể từ năm 2017) là điểm đến golf tốt nhất Châu Á.
Nắm bắt xu thế phát triển, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã đưa các sân golf vào trong quy hoạch và xác định golf như là một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới. Trước khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực, cả nước vẫn còn các quy hoạch sản phẩm, trong đó có quy hoạch sân golf, Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam xác định: Đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 sân golf.
Tuy vậy, sau khi bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, thời gian gần đây, cùng với sự bùng nổ của phong trào golf, các sân golf tiếp tục được bổ sung vào các quy hoạch tỉnh đang được triển khai theo Luật Quy hoạch mới số 21/2017/QH14.
Theo đó, cho đến nay, trong tổng số 30 tỉnh được phê duyệt và 33 tỉnh đã trình thẩm định quy hoạch, đã xác định được khoảng 98 sân golf và 11 cụm sân golf nằm trong các quy hoạch được phê duyệt và 160 sân golf nằm trong các quy hoạch tỉnh đang trình thẩm định. Trong đó, các tỉnh quy hoạch nhiều sân golf nhất là Lâm Đồng với 25 sân, một số tỉnh như Quảng Ngãi, Cần Thơ,… cũng có tối thiểu 1 sân golf.
Như vậy trong tương lai, đến năm 2050 Việt Nam sẽ có khoảng 269 sân golf quy hoạch mới và 104 sân golf hiện trạng. Nếu so sánh số sân golf này trên tổng dân số dự báo (khoảng 108,5 triệu dân vào năm 2049 theo kịch bản của Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc) với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc thì số lượng sân chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, nếu xem xét về ảnh hưởng của sân golf đến các vấn đề như: Tác động môi trường, chiếm dụng tài nguyên đất, nước… thì có lẽ lãnh đạo các địa phương đang muốn đẩy mạnh phát triển sân golf sẽ cần cân nhắc một cách cẩn trọng về số lượng, vị trí và quy mô phát triển của các sân golf.
Nguy cơ hiện hữu
Khoảng hơn 10 năm trước, khi golf mới phát triển ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra nguy cơ của việc phát triển golf đối với các vấn đề đất đai, môi trường, tài nguyên và xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, không có nhiều báo cáo đánh giá tác động của hoạt động sân golf đối với các vấn về tài nguyên đất, tài nguyên nước, các vấn đề môi trường, canh tác nông lâm nghiệp và các vấn đề xã hội khác có liên quan.
Trong những năm tới, với số lượng lớn các sân golf dự kiến được xây dựng và đưa vào khai thác thì rõ ràng cần có đánh giá chính xác những nguy cơ của việc phát triển sân golf đối với tất cả các khía cạnh kinh tế – xã hội có liên quan. Để từ đó đưa ra được những giải pháp ứng phó một cách hiệu quả và đồng thời vẫn tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Vấn đề quỹ đất
Đầu tiên là vấn đề sử dụng quỹ đất cho phát triển sân golf. Theo tính toán của Hội kỹ sư thiết kế sân golf Mỹ, trung bình để xây dựng một sân golf 18 hố tiêu chuẩn sẽ cần từ khoảng 48-80 ha đất, chưa kể đến diện tích đất dành cho các công trình phụ trợ hoặc phần diện tích kết hợp phát triển bất động sản, thương mại dịch vụ. Theo quy hoạch, khá nhiều các sân golf dự kiến phát triển có diện tích sử dụng đất dao động từ 100 ha đến 200 ha để kết hợp phát triển thêm các biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng…
Mặc dù hiện nay, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về “Đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn” trong đó Điều 5 và Điều 6 đã quy định cụ thể về việc xác địa điểm và yêu cầu sử dụng đất đối với sân golf, cụ thể: “Diện tích sân gôn tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90 ha (bình quân không quá 5 ha trên một lỗ gôn); diện tích Dự án sân gôn xây dựng lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ gôn).”
Tuy vậy, việc khai thác và sử dụng một quỹ đất lớn tới hàng trăm ha cần được nghiên cứu và đánh giá một cách kỹ lưỡng ở tất cả các khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Bởi, nguy cơ nhà đầu tư núp bóng dự án sân golf để lồng ghép các loại hình bất động sản như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn,… qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xin cấp phép dự án, hoặc mở ra cơ hội cho câu chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra và chính quyền địa phương cần có phương án quản lý chặt chẽ.
Vấn đề về nguồn nước và môi trường
Bên cạnh nhu cầu sử dụng diện tích đất để xây dựng sân golf thì nhu cầu sử dụng nước cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ trong quá trình lập quy hoạch và xây dựng sân golf.
Theo ước tính của Hiệp hội golf Mỹ, mỗi sân golf tiêu chuẩn tại các vùng khí hậu khô nóng cần khoảng 8.000 m3 nước để tiêu thụ mỗi ngày, tương đương với nhu cầu dùng nước của 8.000 – 13.000 hộ gia đình. Vì vậy, nếu xây dựng sân golf tại các khu vực không dồi dào về nguồn nước sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt. Nếu không quản lý tốt nhu cầu dùng nước cho hoạt động của sân golf cũng sẽ dẫn tới tình trạng khai thác trái phép nguồn nước, gây cạn kiệt nguồn nước, thiệt hại tài nguyên quốc gia cũng như có thể gây ra các tình trạng sụt lún, sập lở thành vách địa tầng, gây nguy hiểm cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất trong khu vực có sân golf đang hoạt động.
Đối với vấn đề gây ra nhiều quan ngại hiện nay, đó là sân golf đang được xem là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Bởi trên thực tế, các sân golf cần được sử dụng rất nhiều hoá chất để chăm sóc bề mặt cỏ trên sân. Số liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy, mỗi năm một sân golf sử dụng trung bình 1,5 tấn hóa chất, cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó có nhiều loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường.
Bề mặt cỏ của sân, đặc biệt là cỏ trên Fairway và Green đòi hỏi chế độ chăm sóc đặc biệt để giữ được màu xanh và phục hồi nhanh nên sử dụng các hoá chất chuyên dụng như Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos… thuộc danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường và sức khỏe con người, bên cạnh đó là các thuốc bảo vệ thực vật như Delta-Coated (Controlled Release Fertilizer), Delta-Top. Một sân golf 150 ha có thể sử dụng gần chục tấn Delta-Coated và gần 200 tấn Delta-Top/năm, chưa kể các loại thuốc trừ sâu khác.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, đa số các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu dùng cho sân golf đều có chứa các hợp chất nitrogen và phosphorus gây tổn hại môi trường. Sân golf sau khi được phun thuốc trừ sâu và bón phân hoá học nếu tưới nước hoặc trời mưa, các hóa chất sẽ được hòa tan theo dòng nước thoát ra các nguồn nước xung quanh, gây tác động xấu hoặc ô nhiễm trực tiếp môi trường sinh thái. Vì vậy, nếu sân golf được xây dựng tại các vị trí nhạy cảm về môi trường như gần các khu vực nguồn nước, khu vực sản xuất nông nghiệp, khu dân cư… sẽ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cả trong giai đoạn bắt đầu khai thác cũng như tương lai lâu dài.
Giải pháp nào cho sự phát triển bền vững?
Kinh tế phát triển và đi cùng với đó là sự gia tăng về nhu cầu giao lưu, giải trí, nghỉ dưỡng, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe. Phát triển các sân golf được xem là một trong những giải pháp phù hợp, đã được chứng minh trong thực tiễn ở nhiều nước phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, quy hoạch và phát triển sân golf với số lượng, quy mô thế nào để vừa có thể tạo ra động lực phát triển kinh tế, du lịch, văn hoá của địa phương, đồng thời, có thể tạo ra sự phát triển cân bằng và bền vững trong việc khai thác tài nguyên đất, tài nguyên nước và hạn chế đối đa những ảnh hưởng đến môi trường thì cần có những nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn quy hoạch, khi tính toán xác định vị trí, số lượng, quy mô các sân golf định phát triển. Đặc biệt, khi triển khai xây dựng và đưa sân golf vào vận hành khai thác, cần quản lý chặt chẽ các tác động đến môi trường đất, môi trường nước và hệ sinh thái xung quanh khu vực nói chung.
Một số giải pháp cụ thể có thể xem xét bao gồm:
Thứ nhất, cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất cho sân golf theo quy định của Điều 5 về các “Điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf”, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về “Đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn”, cụ thể:
(1). Các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân gôn và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân gôn:
a) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
b) Đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;
c) Đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;
d) Đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao;
đ) Đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo.
(2). Dự án sân gôn ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5 ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng và phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, điều kiện thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
(3). Dự án sân gôn sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp.
(4). Việc sử dụng đất tại vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích để xây dựng sân gôn không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật di sản văn hóa.
Thứ hai, tại bước lập quy hoạch, cần tính toán số lượng sân golf phù hợp, dựa trên nhu cầu của người chơi trong khu vực, tương ứng với dự báo về số lượng người chơi trong tương lai, cùng với đó là các tính toán về bán kính phục vụ, cự ly di chuyển, hạ tầng giao thông kết nối để xem xét tính khả thi của việc phát triển sân golf. Mật độ sân golf quá nhiều trong một khu vực sẽ gây tác động lớn đến môi trường mà trong một giai đoạn ngắn chưa thể đánh giá hết hậu quả.
Thứ ba, cần kiểm soát chặt việc đề xuất dự án làm sân golf nhưng lồng ghép kết hợp kinh doanh bất động sản, khu du lịch, khách sạn… Cần đưa ra những quy định để nhà đầu tư phải cam kết không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ dự án sân golf sang kinh doanh bất động sản hay vì mục đích khác, hoặc chuyển đổi mục đích khi kinh doanh không hiệu quả.
Thứ tư, bên cạnh việc thực hiện theo đúng các quy định quản lý về pháp luật đất đai thì cần đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng tài nguyên nước cho phát triển sân golf. Cần xem xét tổng thể nhu cầu sử dụng nước cho sân golf với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất trong khu vực trên cơ sở trữ lượng tài nguyên nước hiện có và những biến đổi làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế trong tương lai. Trong các đồ án quy hoạch phát triển hệ thống sân golf hiện nay tại các địa phương hầu như không có những tính toán này làm cơ sở cho việc xác định số lượng, quy mô sân golf phù hợp.
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng phân bón và các chất hóa học khi khai thác vận hành sân golf. Cần có những đánh giá cụ thể, quan trắc thường xuyên về hiện trạng môi trường đất, nước, không khí, ánh sáng… tại các sân golf đang hoạt động, để từ đó đưa ra được những giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của golf trong vài năm trở lại đây chính là minh chứng cho sự tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng hội nhập quốc tế của thị trường du lịch Việt Nam. Với lợi thế về các điều kiện cảnh quan và cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển sân golf, tạo ra những động lực phát triển kinh tế địa phương và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Tuy nhiên, các địa phương cần có một cách tiếp cận trách nhiệm hơn trong việc thu hút đầu tư phát triển sân golf, và điều này cần thể hiện ngay từ các quy hoạch hệ thống sân golf đang được lập. Để từ đó, việc phát triển golf sẽ vừa tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế – văn hoá – du lịch, nhưng cũng đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển cân bằng, công bằng và bền vững.
Trả lời