Hán Minh CườngHán Minh Cường Chủ tịch tập đoàn Sgroup Việt Nam

Golf và Dopamine

 
💊Dopamine là gì?
Dopamine hay còn được biết đến như là một loại “hormone hạnh phúc”, “hormone thưởng”, thực chất là một chất dẫn truyền thần kinh (và hormone) đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể, ở não bộ, nó đóng vai trò trong các chức năng kiểm soát vận động, kích thích, củng cố và khen thưởng. Nói chung, Dopamine tạo ra cảm giác vui vẻ, tăng khả năng tập trung và sáng tạo, tạo ra động lực theo đuổi mục tiêu. Nó đặc biệt được sản xuất rất nhiều khi cơ thể có được kích thích từ các hoạt động như ăn ngon, mua sắm, các hoạt động giải trí như xem Tiktok, lướt Facebook chẳng hạn, hay thậm chí là cả hoạt động ấy ấy 🤔.
Trong một thời gian dài, Dopamine được biết đến như là một loại “hormone hạnh phúc”, nhưng giờ đây người ta nhận ra thực sự thì nó là một loại hormone liên quan trực tiếp đến tình trạng nghiện ngập hơn là đóng vai trò của sứ giả hạnh phúc (vì cảm giác vui vẻ của Dopamine không phải là thứ tạo ra hạnh phúc đích thực, có thời gian mình sẽ viết một bài về 4 trạng thái: khoái lạc, niềm vui, hạnh phúc và an lạc). Vậy Dopamine tạo ra tình trạng nghiện như thế nào?
Dopamine vốn là một phần của bản năng sinh tồn, giúp con người có động lực phát triển, tìm kiếm những trạng thái vui vẻ, tích cực nhưng việc lạm dụng cảm giác hưng phấn do Dopamine tăng cao khi thực hiện các hành vi (đặc biệt là các hành vi tiêu cực theo nhiều nghiên cứu), kích thích hưng phấn khiến con người muốn trải nghiệm lại nhiều lần cảm giác đó. Lâu dần cơ thể sẽ chai lì, lặp đi lặp lại các hành vi mang tính cưỡng chế (kiểu lướt Facebook hàng giờ, ăn uống vô độ, cờ bạc…là những kiểu hành vi này).
⛳️Người nghiện golf
Người nghiện, dù là nghiện món gì hầu như không ít thì nhiều cũng biểu lộ trạng thái ra bên ngoài, có thể là qua hình dạng hoặc hành vi. Nghiện thuốc thì môi thâm răng ố; nghiện rượu thì tay gân, vàng da vàng mắt; nghiện ma tuý thì da bầm tóc khô, mắt đỏ miệng nhai trèo trẹo; còn mấy ông nghiện mấy thứ công nghệ cao như lô đề bóng bánh, JAV…thì hơi khó nhận biết hơn nhưng nhìn chung thì là trông lờ đờ, mệt mỏi, sụt cân…
Người nghiện golf hay còn gọi là nghiện ma tuý xanh cũng có biểu hiện riêng: chân tay mặt mũi đen đúa, phổ biến tình trạng bàn tay phải đen hơn bàn tay trái (vì đeo bao tay mỗi tay phải còn mình đeo cả 2 bao để bảo vệ…bàn tay cho đẹp). Người nào nghiện nặng thì khó kiểm soát hành vi, đôi lúc đang đứng, tự nhiên tự lành lại ra tựa mông vào tường hoặc gập người hẩy mông ra sau, tay đưa lên đưa xuống giật giật DJ (kiểu Parkinson level max). Người bệnh cũng thay đổi thẩm mỹ màu sắc, rất thích mặc đồ sặc sỡ xanh đỏ tím vàng cân tất, càng nổi càng thích. Ngoài ra, để phân biệt người chơi có liều (lượng), người hơi nghiện và golfer nghiện lâu năm mà khả năng mất hoàn toàn kiểm soát hành vi với thời tiết, là trạng thái mà dù giữa trưa nắng 40 độ hay mưa giông chớp giật cũng vẫn cầm ô lang thang trên sân (có đứa Caddy hỗn mồm nó nói em thấy các anh không bằng con chó, chó nó còn biết tránh mưa, chạy vào chỗ râm 😆)
💉⛳️Dopamine liên hệ gì đến chứng nghiện golf
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ giữa Dopamine và nghiện golf nhưng nhìn từ góc độ người nghiện và thực hành kiểm soát Dopamine mình nhận thấy sự tương đồng trong việc tạo lập hành vi nghiện ngập với sự thay đổi mức độ Dopamine trong cơ thể. Nhưng trước tiên hãy xem xét môn golf có những yếu tố nào có thể khiến người chơi bị nghiện. Giống như các đối tượng gây nghiện khác, ví dụ như cờ bạc gây nghiện vì tạo ra các phần thưởng và đặc tính không thể đoán trước kết quả của trò chơi; nghiện lướt Tiktok cũng là kết quả của việc người dùng được nền tảng này cung cấp liên tục các video kích thích mà mỗi lần trượt từ video này sang video khác là một sự bất ngờ gây hưng phấn, đúng chủ đề người xem đang quan tâm (nên mới nói, muốn biết về một người hãy xem Tiktok hay Reels của người đó 😈). Golf cũng vậy, môn này có đầy đủ các đặc điểm cám dỗ người chơi:
– Kết quả không thể dự đoán trước (xịt giầy mới biết)
– Phần thưởng: một cú HIO, Eagle, Birdie; một score thật khét; một mớ quà tặng từ bạn chơi 🤪
– Sự tập trung, động lực thi đấu.
Đấy là mình chưa nói đến cảnh quan tuyệt vời và không khí trong lành để người chơi tận hưởng rồi check in cúng phây (cũng là một loại nghiện mềm gián tiếp khác nhưng thôi không nói ở đây). Vậy Dopamine có vai trò gì ở đây?
Để giải thích chỗ này, anh em cần biết là mức độ Dopamine trong cơ thể nó không cố định, đại loại là lúc cao lúc thấp. Có một mức cơ bản gọi là Dopamine cơ sở, xác định bởi đường Dopamine Baseline. Mức Dopamine tăng cao khi cơ thể có một trải nghiệm thú vị, một cảm giác chờ đợi, một phần thưởng bất ngờ và nếu trải qua cảm giác không như ý, thất vọng thì mức Dopamine sẽ tụt xuống gây nên cảm giác uể oải, chán nản, cảm giác mất hết năng lượng.
Khi cơ thể liên tục trải qua các cảm giác hưng phấn, mức Dopamine tăng cao từ các yếu tố bên ngoài thì cơ thể sẽ tiếp tục đòi hỏi một sự lặp lại ở một mức độ kích thích cao hơn.
Đối chiếu với “hành vi” chơi golf (đoạn này gọi là hành vi để phân tích nguyên nhân gây nghiện cho khách quan), chơi golf tạo ra các kích thích liên tục khiến mức độ Dopamine cũng thay đổi liên tục:
– Cảm giác chờ đợi cho trận golf trước mắt khiến não bộ hưng phấn cả đêm trằn trọc không ngủ được. 6h Tee thì 3h đã dậy đánh răng rửa mặt 😆😆
– Một cú Driver như ý khiến Dopamine vọt lên cấp độ Phasis (mức đỉnh)
– Một cú kéo trái vào OB bật cây nảy ra Fairway khiến tim thót lại và Dopamine lại trào lên như sóng thần; hoặc đã xác định thua team thì đồng đội lại chip-in từ 50 yards…
Nói chung là quá nhiều tình huống trong một trận golf khiến cho mức Dopamine thay đổi, chắc so sánh với cảm giác yêu lần đầu cho dễ hiểu 😆😆
Nhưng như vậy thì khả năng gây nghiện của Golf cũng thường thôi, ác nhất ở đây là kết quả không thể dự đoán trước của Golf.
Có một thí nghiệm thế này của Giáo sư khoa học thần kinh Robert Sapolsky, Đại học Stanford. Ông cho các con khỉ trong lồng nhấn nút để nhận phần thưởng là thức ăn mà chúng thích. Khi con khỉ nhấn nút để nhận được thức ăn, thì tỷ lệ nhận thưởng ở mức 50%, kích thích lượng Dopamine lên cao hơn nhiều so với lượng Dopamine khi tỷ lệ nhận thưởng ở mức 25% hoặc 75%. Giải thích một cách đơn giản thì một kết quả xanh-chín, 5 ăn 5 tịt sẽ gây hưng phấn hơn là một kết quả nếu biết trước khả năng thắng nhiều hơn hoặc thua nhiều hơn.
Liên hệ đến Golf, mình nhận thấy các chiến hữu nghiện golf nặng hầu hết ở trong tình trạng: hoặc là chơi chưa đến mức single hoặc là vẫn còn đang Callaway (nghĩa là ở trình độ mà trận golf vẫn có kết quả xanh-chín, có trận thì khét mù có trận thì đánh xong muốn giải nghệ, vứt gậy để chọn môn thể thao khác hợp hơn 😆).
Ở đây mình không đề cập đến các golfer ăn thua độ trạc thì kiểu nghiện đó là nghiện cờ bạc. Mặc dù là cũng liên quan đến tình trạng lạm dụng Dopamine của cơ thể khi chơi độ.
Như vậy có thể cơ bản kết luận là việc chơi golf với các trận đấu không thể đoán trước (dù là sơ bộ) kết quả, các trận đấu có phần thưởng, trạng thái tập trung cao độ (giống như đang ở trong trạng thái dòng chảy Flow)…đã khiến người chơi không thể dứt ra nổi. À còn một lý do nữa, đó là cảm giác tạo ra ảo tưởng vào khả năng của bản thân, nghĩ rằng mình có thể đánh 1 cú Driver 280-300 yards (trong khi chỉ 200 😵‍💫), hay vui hơn là hố Par 3 nào cũng nghĩ mình có cơ hội HIO trong khi xác suất để ăn một cú Hole in One là 1/12.000 (với golfer A ma tơ) 😆😆.
Đó, cảm giác ảo tưởng đó cũng hao hao như phê thuốc trèo cột cao thế mà đang nghĩ mình là thần Zeus trên đỉnh Olympus.
💪Làm sao để không lạm dụng, tận hưởng Golf một cách lành mạnh
Đoạn này mình sẽ nói luyên thuyên, anh em đừng tin (vì người ta nói rồi: không nghe nghiện trình bày 😆). Tuy nhiên với trải nghiệm của người đã trải qua cảm giác đắm đuối cá chuối với golf thì mình nghĩ mấy ý này cũng có thể chia sẻ với anh em mới chơi, biết đâu giúp anh em tiết kiệm được kha khá và tận hưởng golf nhiều hơn.
1. Sự cân bằng: sự cân bằng với mình là quan trọng nhất trong golf. Một cú swing cân bằng và có nhịp điệu tốt (tempo) sẽ là một cú đánh đẹp. Nhưng cân bằng ở đây còn có ý nghĩa là cân bằng giữa golf và công việc, cuộc sống nói chung. Nếu như chơi golf mà khiến mất ngủ (3h dậy đánh răng chẳng hạn), thời gian cho golf quá nhiều…là đã làm mất đi sự cân bằng trong cuộc sống (anh em rủ mình tuần 1,2 trận thôi nhé 😆).
Giữ cho mọi thứ cân bằng có lẽ là điều khó nhất trong cuộc sống hỗn độn này.
2. Hãy trì hoãn sự sung sướng: Dopamine sẽ kích động anh em, một cảm giác thôi thúc chờ đợi cho trận golf cũng gây hưng phấn; Dopamine sẽ làm anh em swing nhanh hơn, ra lực mạnh hơn (khi hưng phấn mới ăn team chẳng hạn); Dopamine sẽ làm con người bản năng trong anh em trỗi dậy. Mọi thứ hành động bằng bản năng sẽ dẫn tới kết cục đau khổ. Cố gắng trì hoãn sự sung sướng anh em sẽ kiểm soát được cuộc chơi 😆😆
3. Đừng lên lớp khi chưa sẵn sàng: đừng ảo tưởng trình độ của mình hay đua đòi theo chúng bạn. Nếu trình độ của mình đang lớp 1 (skin 1) thì cứ ngồi lớp 1 đừng nghe anh em kích động lên lớp 2, lớp 5, sóng xanh sóng đỏ để đi học có bạn, toàn bạn hư đấy 😆. Đời dở nhất là không biết mình là ai.
4. Quan tâm đến chi tiết, quan tâm đến bạn chơi: đôi khi một trận đấu căng thẳng làm ta quên đi những điều thú vị xung quanh: một phong cảnh đẹp trên sân chẳng hạn, nhưng hơn hết là hãy chú ý, quan tâm đến bạn chơi. Anh em đi cùng nhau 4,5 tiếng đồng hồ mà chả nói chuyện với nhau mấy, có khứa chỉ nhăm nhăm “quan hệ” với hết Fairway, bộ gậy, Green…, rát lắm 😬! Hãy dùng nhiều ái ngữ để nuôi dưỡng tâm hồn và có bạn chơi cùng 😆
5. Tranh thủ thời gian để rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện tâm trí: Một trận golf phải đi bộ trung bình 7-10 km vậy nên đừng đi bộ nhiều, ngồi xe điện đi để giữ sức khoẻ tránh thoái hoá khớp gối 😆. Nói đùa vậy chứ golf là thể thao, một trận golf là cơ hội tuyệt vời để rèn luyện sức khoẻ và tâm trí của mình trở nên vững vàng và bản lĩnh hơn.
Golf và Dopamine tưởng chừng chẳng liên quan mà thực ra lại là một mối quan hệ phản ánh rất nhiều thực tế cuộc sống. Lựa chọn một cuộc sống mất kiểm soát, chìm đắm vào
những niềm vui ngắn hạn hay lựa chọn một cuộc sống tiết chế, hạnh phúc và an lạc hoá ra lại tìm thấy ở golf và dopamine.
Kết luận, mình vẫn chọn nghiện, chơi đúng liều (golf) 😆😆

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

@Hán Minh Cường on Instagram
This error message is only visible to WordPress admins

Error: No feed with the ID 1 found.

Please go to the Instagram Feed settings page to create a feed.

Press ESC to close