Hán Minh CườngHán Minh Cường Chủ tịch tập đoàn Sgroup Việt Nam

Gắn kết giữa chuyển đổi số với xây dựng đô thị thông minh: Cơ sở dữ liệu phải đi trước một bước

Trong xu thế của nền kinh tế số và nhu cầu xây dựng, phát triển đô thị thông minh, hệ thống cơ sở dữ liệu được nhìn nhận là yếu tố cốt lõi để hoạt động, duy trì các ứng dụng phục vụ cho việc điều hành đô thị thông minh. Nhưng thực tế lại đang có những bất cập trong triển khai xây dựng.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng – tiền đề của đô thị thông minh

Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 cùng quá trình đô thị hóa, đô thị thông minh (ĐTTM) đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới, giúp các đô thị chống lại những vấn đề về phát triển đô thị ngày nay như: Ô nhiễm, suy thoái môi trường, vấn đề tội phạm, ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế…

Tại Việt Nam, xây dựng và phát triển ĐTTM được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định: Phát triển ĐTTM là một trong những xu hướng tất yếu.

Quá trình xây dựng, phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị mà ở đó từ quy hoạch cho đến quản lý đều gắn liền với hệ cơ sở dữ liệu.
Quá trình xây dựng, phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị mà ở đó từ quy hoạch cho đến quản lý đều gắn liền với hệ cơ sở dữ liệu.

Theo đó, để phát triển ĐTTM cần tập trung vào ba yếu tố quan trọng, bao gồm: Quy hoạch ĐTTM; Xây dựng và quản lý ĐTTM; Cung cấp tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa và dữ liệu mở.

Qua nghiên cứu và thực tiễn triển khai, giới chuyên môn nhìn nhận, quá trình xây dựng, phát triển ĐTTM cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị mà ở đó từ quy hoạch cho đến quản lý đều gắn liền với hệ cơ sở dữ liệu. Bởi vậy, muốn chuyển đổi số thành công thì việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phải luôn “đi trước một bước” và được chú trọng hàng đầu.

Cần khung pháp lý hoàn chỉnh

Tại Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai ĐTTM theo Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 (sau đây gọi tắt là Đề án 950), Bộ Xây dựng cho hay, có 14/48 tỉnh thành đã phê duyệt đề án phát triển ĐTTM trước thời điểm ban hành Đề án, 20/48 tỉnh thành phê duyệt sau thời điểm ban hành Đề án 950 và 16/48 tỉnh thành đang triển khai lập đề án.

Về triển khai phát triển tiện ích ĐTTM, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương (tăng 17 địa phương so với năm 2020) và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Về công bố công khai quy hoạch, tra cứu thông tin quy hoạch và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển đô thị ĐTTM, Bộ Xây dựng đánh giá: Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu đô thị trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị đã được áp dụng tại khoảng 43 thành phố/thị xã ở các địa phương (trong số đó có 38 Sở Xây dựng). Đa số các địa phương không có cán bộ chuyên trách xử lý công việc.

Dù có những tín hiệu tích cực nhưng việc triển khai ĐTTM tại Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn cơ bản như: Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ; sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng ĐTTM còn hạn chế; việc triển khai ĐTTM còn mang tính riêng lẻ, manh mún; nguồn lực cho phát triển, bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế…

Chính vì thế, giai đoạn năm 2020 – 2021 trong bối cảnh Covid-19, mặc dù một số doanh nghiệp công nghệ trong nước như VNPT, FPT, Viettel, CMC… đã tiên phong cung cấp các ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân và cung cấp các giải pháp tư vấn phát triển ĐTTM cho các địa phương, lập Đề án phát triển đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh…, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có sự chuyển biến. Trên địa bàn cả nước chưa có sự chuyển động nhiều về các dự án đầu tư xây dựng ĐTTM, tại một số tỉnh thành (Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng) đã đề xuất các Dự án, tuy nhiên chủ yếu cũng mới đang ở bước ban đầu chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết dự án hoặc chỉ mới đang nghiên cứu, xây dựng đề xuất.

Nguyên nhân của sự chậm trễ bên cạnh việc thiếu sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương thì trong việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, thiếu hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí về ĐTTM dẫn tới băn khoăn, lúng túng của nhà đầu tư và chính quyền địa phương.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển ĐTTM bền vững trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển ĐTTM bền vững. Đồng thời thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển ĐTTM là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ, không tách rời quá trình chuyển đổi số.

Đối với hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL), giải pháp căn cơ mà Bộ Xây dựng cũng đã đề cập tại báo cáo là cần có các quy chế, quy chuẩn đảm bảo các cấu phần ĐTTM có thể kết nối với nhau thành một tổng thể ĐTTM bền vững. Cần coi ĐTTM như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành.

Hệ thống cơ sở dữ liệu phải đi trước một bước

Đồng tình với vai trò tối quan trọng của cơ sở dữ liệu đối với phát triển ĐTTM, TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho hay: “Để xây dựng hệ cơ sở dữ liệu, trước tiên cần có cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách để thực hiện. Và làm thế nào để xây dựng được hệ chuẩn quốc gia, mang tính quốc tế về CSDL – cái này chắc chắn phải có, nhưng cũng cần thời gian”.

Vấn đề quan trọng trong câu chuyện xây dựng, theo vị chuyên gia là khi tất cả các chương trình, kế hoạch đưa ra cần kèm theo cơ chế chính sách và nguồn lực. Bởi, cơ chế chính sách mà chưa thông suốt, nguồn lực chưa đáp ứng được thì không giải quyết được đề án. “Thực tế, rất nhiều đề án viết ra, nhưng khi tổng kết đánh giá thì cũng chẳng tổng kết được vì không đạt được mục tiêu ban đầu”, ông Quảng nói.

Theo vị chuyên gia, cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý đang được điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ quốc tế, rất nhiều thứ, từ thuế, tác động môi trường, đến tăng trưởng xanh…, nhưng cần có lộ trình, và quan trọng là cách thức tiếp cận, khắc phục vấn đề này như thế nào. Bên cạnh đó là cần có thời gian và cần sự cương quyết của các ngành.

Đã có không ít những hội thảo chuyên đề mà ở đó câu chuyện phát triển chuỗi các ĐTTM được đưa ra phân tích, tìm giải pháp. Và mặc dù giới chuyên môn hay các doanh nghiệp công nghệ đều đồng tình, vấn đề cốt lõi là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, bởi các hoạt động xây dựng, phát triển đô thị thông minh đều gắn với công nghệ và dữ liệu số. Nhưng cho đến nay, câu chuyện làm thế nào để có một CSDL dùng chung liên thông giữa các bộ ngành, địa phương để đáp ứng cho tiến trình xây dựng đô thị thông minh vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đánh giá về tầm quan trọng của phát triển hạ tầng số và sự khác biệt về giải pháp cho từng địa phương, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) từng chia sẻ: “Chúng ta đi từ cơ sở cho nên việc phát triển hạ tầng là một điều cực kỳ quan trọng. Hạ tầng ở đây có thể là hạ tầng nền tảng phục vụ cho kết nối như hạ tầng viễn thông, hạ tầng băng rộng, hạ tầng internet để giúp cho việc kết nối giữa các cơ quan, kết nối giữa doanh nghiệp và người dân”.

Hạ tầng thứ hai, theo ông Liêm, cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng là hạ tầng giúp chúng ta phát triển được những ứng dụng cho chính quyền và doanh nghiệp.

“Để người dân, doanh nghiệp, người dùng tiếp cận nhanh với những sản phẩm cũng như những ứng dụng của đô thị thông minh là một trong những xu hướng rất rõ ràng của chuyển đổi số. Chúng ta tạo được những nền tảng ứng dụng mà giúp cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, đấy cũng là nội hàm để cho các đối tượng có thể nhanh chóng tiếp cận với những dịch vụ số”, ông Liêm nhận định.

TS Hán Minh Cường - Sgroup Việt Nam
TS Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn S-Group Việt Nam.

Ở góc độ là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các ứng dụng phục vụ quản lý, xây dựng ĐTTM, TS Hán Minh Cường, Công ty Cổ phần tập đoàn S-Group Việt Nam cho rằng: “CSDL giống như hệ thần kinh của nền kinh tế, bởi vậy, việc đầu tư vào hệ thống dữ liệu phải ngay lập tức, thực hiện song song với việc xây dựng hạ tầng. Vì nếu như chỉ tập trung xây dựng hạ tầng mà chưa phát triển hệ thống CSDL để giám sát, theo dõi thì sẽ tạo ra những bước đi khập khiễng và làm lãng phí nguồn lực”.

Trên thực tế, đã có không ít những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này với giải pháp về quản lý đô thị, quản lý, theo dõi giá đất. Có thể kể tới MobiFone khi phát triển thành công giải pháp nền tảng AI Social Monitoring ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán quản lý, điều hành quy hoạch ĐTTM; LUCI BUILDING – một phần mềm quản lý đô thị thông minh, giải pháp ĐTTM do Công ty Cổ phần Luci phát triển; iLang – sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ cao CTech – một phần mềm quản lý chung cư, giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, kết nối giao tiếp giữa Ban Quản lý và Cư dân…

Hay như phần mềm quản lý đô thị CGIS Urban – phát triển bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn S-Group Việt Nam – đã được đưa vào ứng dụng tại một số tỉnh, thành và được đánh giá là giải pháp hoàn hảo cho việc quản lý các lĩnh vực quan trọng của ĐTTM.

CGIS Urban cho phép cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các nghiệp vụ quản lý liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, phát triển và xây dựng đô thị, bao gồm các nghiệp vụ như: Quản lý quy hoạch, thực hiện chương trình phát triển đô thị các cấp, quản lý trật tự xây dựng, quản lý các dự án đầu tư xây dựng, cung cấp các dịch vụ tiện ích đô thị cùng nhiều tính năng quản lý khác. Với hệ thống dữ liệu được sắp xếp theo lớp, phần mềm sẽ giúp cho cơ quan quản lý phát hiện ra xung đột (nếu có) về quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực, từ đó đưa ra phương án quy hoạch, xây dựng phù hợp hơn.

Như vậy, giải pháp đã có, phần mềm đã có, nhưng làm thế nào để sớm xây dựng được một hệ CSDL liên thông đáp ứng được hoàn chỉnh các nhu cầu cho tiến trình xây dựng ĐTTM thì còn là một bài toán mà cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị, ban ngành. Đây là vấn đề phức tạp, cần cả thời gian, nguồn lực và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; nhưng nếu không thực hiện rốt ráo thì cũng không thể thực hiện được công cuộc chuyển đổi số nói chung và xây dựng đô thị thông minh nói riêng.

Nguồn: tapchixaydung.vn

Link gốc: https://tapchixaydung.vn/gan-ket-giua-chuyen-doi-so-voi-xay-dung-do-thi-thong-minh-co-so-du-lieu-phai-di-truoc-mot-buoc-20201224000013751.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

@Hán Minh Cường on Instagram
This error message is only visible to WordPress admins

Error: No feed with the ID 1 found.

Please go to the Instagram Feed settings page to create a feed.

Press ESC to close