Dù mới được sáp nhập vào thành phố Hà Nội từ tháng 8/2008, nhưng Mê Linh đang mang trọng trách của một thành phố trong thành phố – cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô Hà Nội. Nhưng Quy hoạch Mê Linh như thế nào, đang là câu chuyện không dễ dàng.
Mảnh đất của truyền thống văn hóa
Mê Linh là huyện ngoại thành Hà Nội, cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô. Mảnh đất ghi dấu ấn lịch sử khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán xâm lược và xưng vương, đây là mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
Không chỉ vậy, lịch sử hình thành và phát triển huyện Mê Linh còn gắn liền với thời đại các vua Hùng dựng nước, là địa bàn cư trú của các Lạc tướng, Lạc hầu. Mê Linh là nơi giao thoa văn hóa giữa các tỉnh lân cận với kinh đô Thăng Long xưa. Vì thế, nơi đây hội tụ nền văn hóa phong phú, đa dạng, góp phần vào sự hình thành, phát triển của nền văn minh sông Hồng.
Mê Linh hiện đã duyệt các đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh tỷ lệ 1/10.000 và Quy hoạch chung thị trấn Kim Hoa huyện Mê Linh tỷ lệ 1/5.000. Tiếp đó quy hoạch chung xây dựng các xã đã được phê duyệt, cùng với việc triển khai hạ tầng cấp Thành phố và cấp huyện, xây dựng nông thôn mới đã phần nào góp phần tích cực vào việc thay đổi nền kinh tế xã hội của huyện theo hướng tích cực.
Mê Linh là một phần của Thành phố mới tương lai
Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, trong bối cảnh hiện nay, việc lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết và cấp bách. Một số yêu cầu thực tiễn cần được nghiên cứu cập nhật, bổ sung điều chỉnh. Cần đưa các định hướng phát triển trong tình hình mới như: Đô thị thông minh; Cách mạng khoa học công nghệ 4.0; Kinh tế đô thị; Tăng trưởng trưởng xanh; Ứng phó với biến đổi khí hậu…v.v. và được nghiên cứu, đề xuất phù hợp với các quy định hiện hành và xu thế phát triển trong giai đoạn trước mắt cũng như phù hợp với định hướng trong tương lai.
Toàn cảnh Hội thảo
Mục tiêu trong tương lai Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của Thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái. Phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối, chung chuyển hàng hóa và các trung tâm phân phối sản phẩm ở cửa ngõ phía Bắc thủ đô; hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp…
Mục tiêu quy hoạch của Mê Linh sẽ có các vùng: Vùng không gian chính trong đó xác định các vùng theo động lực phát triển kinh tế của huyện, vùng phát triển đô thị, vùng công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng trung tâm dịch vụ, du lịch như kết hợp việc khách đến viếng Nghĩa trang Thanh Tước với thăm quan các di tích văn hóa trên địa bàn, hay hình thành các tour du lịch sinh thái gắn với vùng trồng hoa tại xã Mê Linh.
“Chuyên gia” hiến kế quy hoạch Mê Linh
Tại Hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu đã chia sẻ những ý đóng góp với kỳ vọng Mê Linh sẽ có một bản quy hoạch xứng với vị trí đặc biệt quan trọng của mình đối với thủ đô Hà Nội.
Nguyên phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có đôi lời phát biểu “Tôi đồng tình quan điểm Mê Linh phải trở thành quận. Trở thành quận để phù hợp với quản lý theo cấp đô thị. Xa hơn nữa là phải trở thành một thành phố trong thành phố…”.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
Về việc khai thác giá trị ven sông Hồng, PGS TS Hoàng Văn Cường đề nghị cần tính đến việc phát triển hệ thống phòng chống lũ nhưng vẫn phát triển được dịch vụ.
Cũng liên quan đến yếu tố của vùng đất ven sông với những thuận lợi, khó khăn không dễ giải quyết, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên KTS trưởng thành phố – nói: Không gian sông Hồng được nghiên từ năm 1992. Có rất nhiều dự án về sông Hồng, nhưng rất khó thực hiện. Vì vướng rất nhiều vấn đề như phòng chống lũ. “Mê Linh có đồng ý ngập lụt vì các tỉnh khác, hay tỉnh khác chịu ngập để Mê Linh phát triển?” ông đưa câu hỏi để các nhà lập quy hoạch suy nghĩ. Theo quan điểm của ông, vấn đề ven sông Hồng rất phức tạp, khi quy hoạch cần lựa chọn tiến độ để khai thác. Ông gợi ý Mê Linh có thể nghiên cứu phát triển các bãi ven sông, các khu dân cư ven sông.
Xét tới vị trí của Mê Linh trong bối cảnh của “dòng chảy sông Hồng”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội kiến trúc sư Việt Nam lưu ý đến yếu tố “nước” trong quy hoạch của Mê Linh.
Ông cũng bày tỏ trăn trở: Chúng ta sẽ chọn tương lai là đất hay nước? Giá trị thặng dư như thế nào? Có nên chuyển đổi đô thị giá rẻ để xây dựng tương lai, chưa nói tới việc tương lai có bền vững không?
Theo quan điểm của ông, công tác quy hoạch cần lưu ý ưu tiên đến không gian của những dòng sông, không gian của nước trong đô thị
“Khi nói đến thành phố thông minh, xanh, sáng tạo… không có gì khó cả. Nhưng quan trọng là nên chọn gì? Thành phố của “bất động sản” hay thành phố của không gian rộng rãi? Chúng ta phải đủ thông minh để chọn thế nào là thành phố thông minh.”
TS Hán Minh Cường – viện trưởng Viện KHCN XD AIST – đề nghị lấy giao thông công cộng làm cơ sở để hình thành hạt nhân phát triển đô thị, sử dụng đất. Với huyện Mê Linh, ông thấy rằng Hà Nội đã có định hướng cụ thể về phát triển giao thông. Mạng lưới giao thông đã quy hoạch mạch lạc. Trên địa bàn huyện Mê Linh đã có tuyến đường sắt đô thị số 7, Tuyến Mnorail, BRT, nhiều tuyến xe buýt… Với mạng lưới giao thông công cộng đó, ông cho rằng có 7 vị trí đầu mối giao thông, hình thành hạt nhân phát triển đô thị. Sau khi đưa ra các đầu mối, sẽ đưa ra định hướng phát triển cho từng mục tiêu.
Nguồn: baophapluat.vn
Thông tin chi tiết bài viết tại: https://baophapluat.vn/bds/hien-ke-cho-quy-hoach-me-linh-post479906.html
Để lại một bình luận