Hán Minh CườngHán Minh Cường Chủ tịch tập đoàn Sgroup Việt Nam

NĂM MỚI NÓI CHUYỆN ĂN UỐNG

Năm mới đến, ai cũng nói chuyện ăn uống, giảm cân, chữa bệnh bằng nhịn ăn, 16:8…. Mỗi người một quan điểm, nhưng suy cho cùng, tất cả vẫn là quay về mong muốn nuôi dưỡng cả thân và tâm cho an lạc chứ không chỉ là cho sướng cái thân tứ đại vốn dĩ vô thường này. Nhân nay rằm là ngày ăn chay, Đậu Đậu cũng hỏi về 4 loại thức ăn (Đậu đang đọc cuốn Tĩnh lặng của Thầy Thích Nhất Hạnh nhưng chưa hiểu rõ đoạn này), mình tranh thủ viết ra vài suy nghĩ dựa trên những lời dạy của Đức Phật, có thể sẽ hữu ích cho những ai quan tâm, để năm mới lên kế hoạch ăn uống “heo thì” hơn 💪.

🍔 Bốn loại thức ăn

Bốn loại thức ăn ở đây là lời dạy của Đức Phật về cách chúng duy trì sự tồn tại của cơ thể con người, những ảnh hưởng của chúng đến tâm thức, nghiệp và sự luân hồi của chúng sinh. Bốn loại thức ăn này, cả vật chất và phi vật chất, bao gồm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực.
Đoàn thực là những loại thức ăn vật chất như thịt, cá, rau củ quả, cơm cháo, rượu bia… mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày giúp nuôi dưỡng cơ thể. Nếu thức ăn bổ dưỡng, chế độ ăn lành mạnh thì cơ thể khoẻ mạnh và ngược lại, “vitamin lúa mạch 🍺 và gâu gâu🐕” liên tục thì very gút ngay.
Thức ăn này tác động trực tiếp đến cơ thể chúng ta, gây ra bệnh tật nếu ăn uống không đúng cách, nhưng thực ra lại là loại dễ xử lý nhất nếu so với ba loại thức ăn thuộc về tâm thức còn lại.
Với loại thức ăn này, nguyên tắc là hạn chế và tránh xa nhưng loại thức ăn có hại, ăn uống lành mạnh. Với cá nhân mình, mình tâm đắc với nguyên tắc ăn uống SAFER (an toàn hơn), được hiểu là:
– S: (no) Smoking – không hút thuốc
– A: (no) Alcohol – không uống rượu (cái này chưa làm được nhưng sẽ cố gắng hạn chế)
– F: Food – thức ăn an toàn
– E: Exercise – luyện tập thể dục
– R: Respiration – thở đúng phương pháp (mọi người có thể thiền hoặc tập thở theo bài tập của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, rất hiệu quả).
📲Loại thức ăn thứ hai là xúc thực, là “thức ăn” của các giác quan mà chúng ta tiếp xúc qua mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý (hay còn gọi là lục căn). Đó là hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, suy nghĩ. Nói cách khác, chúng chính là thông tin mà chúng ta tiếp nhận hàng ngày từ những gì chúng ta nhìn thấy, nghe thấy từ thế giới bên ngoài cũng như suy nghĩ phát sinh bên trong. Tin tức, phim ảnh, facebook, tiktok, lời nói, hành động của những người xung quanh, ý tưởng suy nghĩ liên tục phát sinh trong đầu chính là xúc thực.
Xúc thực là “thức ăn tâm lý” ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của mỗi người. Khi lục căn tiếp túc với lục trần thì sinh ra cảm thọ (vui, buồn, dửng dưng).
Nếu mỗi ngày của chúng ta sống trong môi trường an lành, nghe chánh ngữ, thấy hình ảnh đẹp, tiếp xúc với những điều thiện lành đó là lúc chúng ta đang tiêu thụ thức ăn xúc thực lành mạnh tốt đẹp, tâm ta sẽ cảm thấy vui vẻ và an lạc. Ngược lại, nếu không biết tiết chế, tiếp nhận quá nhiều các loại thông tin độc hại như xem những hình ảnh bạo lực, kích động, giao tiếp với những người sân hận, đố kị, nghe lời thị phi, sẽ khiến tâm tham, sân, si trỗi dậy, là căn nguyên gây ra stress, đau khổ, sẽ gián tiếp khiến cơ thể chúng ta nảy sinh các loại bệnh tật.
Thế nhưng loại thức ăn độc hại trong xúc thực cũng cám dỗ như rượu thịt vậy, vì bản chất mắt thì tham sắc, mũi tham hương, lưỡi tham vị, tai muốn nghe lời ngọt ngào, thân thì tham tiếp xúc cái nhẹ nhàng và ý tham cảnh.
Vậy nên trong kinh Pháp cú Đức Phật đã dạy:
“Ai sống theo dục lạc
Không nhiếp hộ các căn
Ăn uống thiếu tiết độ
Biếng nhác, chẳng tinh cần
Dễ bị ma nhiếp phục
Như gió lay cây yếu…”
🤔Loại thức ăn thứ ba, tư niệm thực, chính là nguồn năng lượng tự thân do mỗi người tạo ra, giữ vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển bản thân, tạo nên hình ảnh và ảnh hưởng trực tiếp đến nghiệp (karma) của mỗi người. Đó là ý chí, mong muốn và động lực bên trong, thúc đẩy những hành động của chúng ta qua ba nghiệp: thân, khẩu, ý.
Nếu chúng ta tạo ra ý chí và mong muốn thiện lành (hay tư niệm thực tích cực), điều đó sẽ thúc đẩy các hành vi, lời nói và suy nghĩ tốt đẹp, tạo nên lối sống đúng đắn và gieo vào tàng thức những hạt giống thiện, giúp tâm hồn ngày càng sáng suốt và an lạc.
Nếu tư niệm thực bất thiện, khởi lên những nhu cầu không chính đáng, xuất phát từ tham, sân, si, điều đó được xem như những hạt giống nghiệp xấu kéo chúng ta lún sâu vào vòng xoáy của buồn chán và khổ đau.
Tư niệm thực là thức ăn nuôi dưỡng tâm thức, nhưng đồng thời cũng quyết định cách chúng ta lựa chọn và tiêu thụ các loại thức ăn khác như đoàn thực và xúc thực. Khi tư niệm thực thiện lành, tâm trí trở nên sáng suốt và tỉnh thức, từ đó ta sẽ có xu hướng chọn lựa thực phẩm phù hợp, lành mạnh cho cơ thể và tiếp nhận các cảm xúc tích cực từ môi trường xung quanh. Ngược lại, nếu tư niệm thực bất thiện chi phối bởi những suy nghĩ tiêu cực, tham lam hay sân hận, chúng ta dễ rơi vào lối sống buông thả, chọn lựa thực phẩm không lành mạnh, hoặc tìm kiếm cảm giác mạnh để thỏa mãn những nhu cầu nhất thời. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn làm tâm trí thêm xao động và bất an. Vì vậy, việc nuôi dưỡng tư niệm thực đúng đắn chính là nền tảng để chúng ta duy trì sự cân bằng giữa thân và tâm, hướng tới đời sống an lạc và tỉnh thức.
Nhưng nếu chúng ta đã khởi nên ý chí và mong muốn tốt đẹp nhưng không thể hành động và thành công thì tại sao?
Đó là vì tư niệm thực của chúng ta còn yếu, chúng ta chưa có đủ “nguyên liệu” để tạo ra đủ thức ăn “tư niệm thực mạnh mẽ”. Có 4 yếu tố chính để nuôi dưỡng tư niệm thực: mục tiêu, ý nghĩa, cảm hứng và môi trường.
Nếu có mục tiêu ý nghĩa, khả thi được thúc đẩy và truyền cảm hứng liên tục trong một môi trường tích cực, chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra những tư niệm thực tốt.
Tư niệm thực cũng sẽ phát triển khi chúng ta hành động liên tục, bởi mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ lặp đi lặp lại đều củng cố và nuôi dưỡng những khuynh hướng bên trong tâm thức. Khi ta liên tục thực hành những việc thiện lành như hành xử từ bi, nói lời chân thật và giữ tâm ý thanh tịnh, những tư niệm tích cực này dần trở thành thói quen và kết hợp với những điều kiện ở trên sẽ giúp chúng ta tạo nên nền tảng vững chắc cho một đời sống lành mạnh.
Chung quy lại, không ai có thể giúp cho chúng ta có một đời sống lành mạnh và hướng thiện một cách lâu dài ngoài chính chúng ta với nhưng “tư niệm” tích cực của mình.
☯️Cuối cùng là thức thực, loại thức ăn của tâm thức có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ với tư niệm thực. Nếu tư niệm thực là những ý chí, khát vọng và động lực bên trong thúc đẩy hành động, thì thức thực chính là sự nhận thức và hiểu biết về thế giới xung quanh, nuôi dưỡng sự tỉnh thức và trí tuệ. Thức thực bao gồm tất cả những gì chúng ta tiếp nhận qua các giác quan và cách chúng ta diễn giải, phản ứng với những trải nghiệm đó.
Thức thực mà chúng ta nạp vào tâm thức mỗi ngày chính là những gì mà chúng ta tiếp xúc, nhìn nhận và diễn giải chúng. Chính những sự nhìn nhận này tạo nên những niềm tin và quan điểm qua thời gian. Từng ngày từng ngày nó không chỉ định hình tâm trạng, cảm xúc và hành động của chúng ta mà còn tạo ra năng lượng để nuôi dưỡng những hạt giống nghiệp được tư niệm thực gieo vào tàng thức. Ví như một người mỗi ngày được tiếp xúc và nạp vào đầu thức thực là quan điểm về bảo vệ động vật, ngăn ngừa bệnh gút…thì sẽ đến lúc người đó hình thành nên nhận thức là không ăn thịt chó. Hạt giống nghiệp đã gieo trong tàng thức mỗi lần nói không với thịt chó sẽ tạo ra những ý chí và hành động bảo vệ động vật, cãi nhau với những người thích ăn thịt chó…Điều đó tốt cho sức khoẻ và có thể cả cộng nghiệp thiện cho kiếp sau của người đó nữa. Nhưng với mình thì nhận thức vẫn chưa chuyển hoá được nên vẫn thấy thịt chó rất ngon và văn hoá ẩm thực này của cha ông thật là độc đáo. Chết dở ngày ăn chay lại nghĩ về thịt chó cuối tháng😵‍💫.
Nói vậy thôi chứ mình cũng phải đến lúc phải bỏ cái “cẩu nhục ái” này, không phải là để giữ cho thân xác khỏi bệnh tật mà thực sự mình tin rằng thức thực là điều kiện cho sự tái sinh trong luân hồi. Tàng thức (hay A lại da thức) được ví như “kho chứa nghiệp” được vận hành bởi năng lượng thức thực sẽ luân hồi và tái sinh trong kiếp sống sau, khi thức (ý thức mang nghiệp) kết hợp với danh sắc là tấm thân mới.
Câu nói: “Bệnh từ miệng vào, hoạ từ miệng ra”, nhắc nhở chúng ta về ý thức bảo vệ bản thân nhưng cũng là một gợi ý rất giá trị về thực hành lối sống tỉnh thức. Khi đối chiếu với tứ thực, chúng ta hiểu rằng cần đoàn thực một cách “heo thì” để thân không mang bệnh, cần tỉnh thức để xúc thực, tư niệm thực và thức thực đúng đắn để tâm, ý được nuôi dưỡng đúng cách, không tạo ra nghiệp xấu và gây hại cho bản thân.
🌸Ngày đầu năm chiêm nghiệm những lời dạy của Đức Phật về tứ thực, rút ra được nhiều bài học của năm cũ!
Cầu chúc cho tất cả mọi người sang năm mới đoàn thực lành mạnh để có sức khoẻ dồi dào, xúc thực tốt để luôn vui vẻ và an lạc, tư niệm thực thiện lành để có thêm động lực và ý chí tạo dựng những cơ hội mới và cuối cùng là luôn trí tuệ, sáng suốt, minh mẫn để thức thực, gieo những hạt giống tâm hồn tốt đẹp cho hiện tại và tương lai. Happy new year!!!💥

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

logo

Tiến sĩ Hán Minh Cường là Chủ tịch Hội đồng quản trị, người sáng lập SGroup Việt Nam. Tác giả của Phuơng pháp học tập thông minh Miwiz

Press ESC to close