Hán Minh CườngHán Minh Cường Chủ tịch tập đoàn Sgroup Việt Nam

Quy hoạch KCN theo hướng xanh, thông minh gắn với Cách mạng Công nghiệp 4.0

Thời gian vừa qua, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang thực hiện các quy hoạch tỉnh, điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng các loại, trong đó định hướng quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm, nhằm tạo ra không gian phát triển mới cho các ngành công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tính đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 413 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các khu kinh tế, 37 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, 7 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%

Hình 1: Số lượng các KCN được thành lập từ năm 1991-2021

Theo định hướng Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 575 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,93 nghìn ha (tăng gần gấp 2 lần so với hiện nay). Mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia là phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển các khu công nghiệp sinh thái và giảm dần các khu và cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Trong xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số… cùng với đó là những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, rất cần thiết phải có các nghiên cứu phát triển KCN theo hướng xanh, thông minh như vậy mới có thể đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như những cam kết của Việt Nam với Quốc tế trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

1. Khu công nghiệp xanh, thông minh

Trong vài năm trở lại đây, khái niệm khu công nghiệp xanh, thông minh đang dần trở nên phổ biến trong các bài báo, đề tài nghiên cứu, văn bản điều hành cũng như ý tưởng phát triển tại một số dự án trong nước. Mặc dù vậy, hiện không có một quy định chính thức nào cho khái niệm KCN xanh, thông minh được mà thuật ngữ thường được sử dụng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là “Khu công nghiệp sinh thái (Eco-Industrial Parks)”.

Theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/5/2022 Quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế thì khái niệm KCN sinh thái được hiểu “là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp…”. Tuy nhiên, trong bối cảnh Thế giới và Chính phủ Việt Nam đang đặt ra và theo đuổi các mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bài viết này tập trung vào các nội dung liên quan đến phát triển xanh, thông minh trong định hướng quy hoạch các KCN tại Việt Nam.

Một cách tổng quát, có thể hiểu khu công nghiệp xanh, thông minh là các khu công nghiệp ứng dụng các công nghệ hiện đại để tối ưu hoá sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các KCN xanh, thông minh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như IoT, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, quản lý thông minh và tự động hoá để tăng cường hiệu suất sản xuất, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, giảm thiểu thí thải và ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu của KCN xanh, thông minh là tạo ra môi trường làm việc an toàn, hiệu quả và bền vững, đồng thời giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao.

2. Những bất cập trong quy hoạch khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh hiện nay

  • Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật liên quan đến khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Các yêu cầu về tăng tưởng xanh, thông minh đối với các KCN đang chịu chi phối của nhiều bộ luật, quy định nên việc thực hiện còn phức tạp và khó khăn. Đặc biệt, nhiều quy định, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện. Các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, sản xuất cho lĩnh vực này chưa có khiến việc áp dụng thực tế hiện nay còn mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào khả năng cũng nhu cầu riêng của doanh nghiệp.
  • Hiện nay, rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước định hướng quy hoạch mạng lưới khu công nghiệp với quỹ đất rất lớn, nhiều tỉnh quy hoạch đất dành cho phát triển công nghiệp lên tới hàng nghìn ha. Ví dụ như Bắc Giang quy hoạch 29 KCN với tổng diện tích 7000 ha; Quảng Ninh quy hoạch 16 KCN (bên cạnh 7 KCN đã thành lập), nâng tổng diện tích quy hoạch KCN lên 18.842,56 ha; Bà Rịa Vũng Tàu dự kiến quy hoạch toàn tỉnh có 24 KCN với tổng diện tích 16.052,66 ha; Vĩnh Phúc dự kiến quy hoạch đến năm 2030 đạt 7000 ha diện tích đất KCN, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 10.000 ha…

Tuy vậy, thực tế thu hút đầu tư và khai thác quỹ đất công nghiệp hiện có là chưa hiệu quả. Một số tỉnh như Vĩnh Phúc hiện mới chỉ khai thác được hơn 1000 ha so với quy hoạch đã được duyệt nhưng vẫn đề xuất mở rộng thêm hàng nghìn ha trong tương lai. Qua xem xét nghiên cứu một số quy hoạch tỉnh có thể nhận thấy việc xác định quỹ đất phát triển công nghiệp còn thiếu khoa học, chưa có đủ luận chứng xác đáng dựa trên tiềm năng, xu thế phát triển công nghệ, nhu cầu thực tế của các ngành công nghiệp…Nhu cầu sử dụng đất công nghiệp tính toán dựa trên mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, mục tiêu phát triển ngành mà trong nhiều trường hợp là khá duy ý chí và định tính.

  • Một trong những bất cập đáng chú ý là việc nhiều quy hoạch KCN tại các địa phương chưa được cập nhật, không theo kịp xu thế phát triển của thế giới. Trong khi môi trường kinh doanh toàn cầu đang chuyển hướng về phát triển khu công nghiệp sinh thái, xanh, thông minh, nhiều KCN ở Việt Nam vẫn giữ nguyên cấu trúc truyền thống, không tích hợp được các tiêu chí, tiêu chuẩn mới.
  • Mặc dù Việt Nam đã cam kết tham gia vào các hiệp định, chương trình, mục tiêu phát triển toàn cầu về bảo vệ môi trường như Net-zero, bảo vệ tài nguyên… nhưng nhiều quy hoạch KCN hiện nay chưa lồng ghép được những mục tiêu này vào quá trình nghiên cứu.
  • Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang tập trung vào việc lập quy hoạch để tận dụng tối đa quỹ đất và thu hút nhiều nhà đầu tư nhất có thể. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một bất cập đáng chú ý. Các nhà đầu tư FDI lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xanh, thông minh, đang đặt ra yêu cầu cao về tiêu chí môi trường và công nghệ trong quá trình đầu tư. Nhiều nhà đầu tư FDI từ Mỹ, Châu u đã thể hiện mong muốn đầu tư vào các khu công nghiệp không chỉ với mục tiêu thuận lợi về vị trí địa lý và quy mô, mà còn là khả năng đáp ứng được các tiêu chí xanh và thông minh. Điều này bao gồm việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, quản lý năng lượng thông minh, và chuẩn mực bảo vệ môi trường cao.
  • Hầu hết các KCN tại Việt Nam hiện nay đều chưa có một hệ thống thu thập, đo lường, phân tích và quản lý dữ liệu hoàn chỉnh. Các loại dữ liệu như: khối lượng phát thải, tình trạng ô nhiễm môi trường, tiêu thụ năng lượng…đều cần được thu thập và thiết lập thành một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý.

3. Những xu thế phát triển chung và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh

3.1. Các xu thế về môi trường:

– Net Zero Carbon: được hiểu là không làm tăng tổng lượng khí CO2 vào khí quyển (lượng phát thải CO2 bằng không). Hiện nay đã có khoảng 140 quốc gia gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. Tháng 11/2021 tại hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới, sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Tháng 12/2023 tại hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Đối với phát triển các KCN xanh, mục tiêu Net-zero Carbon được xem xét từ các hoạt động sản xuất, tiêu thụ năng lượng và phát triển các không gian xanh của KCN. Con đường đạt được lượng khí thải CO2 thấp tại các KCN yêu cầu giảm thiểu CO2 tại các giai đoạn của chu kỳ sử dụng năng lượng. Đưa ra các giải pháp sử dụng năng lượng tại chỗ và chỉ sử dụng biện pháp bù đắp khi không còn cách nào khác.

– Xử lý và tái chế chất thải: trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, việc đẩy mạnh tái chế chất thải được xem là hướng phát triển tất yếu hiện nay. Chất thải được tái chế không chỉ góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho quá trình sản xuất.

– Năng lượng: xu hướng đầu tư và khai thác sử dụng năng lượng tái tạo hướng tới nền kinh tế tăng trưởng bền vững đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Nhu cầu năng lượng cho phát triển ngày càng tăng cao. Các nguồn nhiên liệu hóa thạch đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước; tuy nhiên đó lại là nguồn năng lượng không tái tạo. Đồng thời, các nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần dần cạn kiệt; vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo là một nhu cầu tất yếu.

3.2. Các xu thế về công nghệ

Cách mạng công nghiệp 4.0 với những đột phá của công nghệ số cung cấp một cách tiếp cận liên kết và toàn diện hơn cho sản xuất. Công nghiệp 4.0 trao quyền cho các doanh nghiệp kiểm soát và hiểu rõ hơn mọi khía cạnh hoạt động của họ và cho phép tận dụng dữ liệu tức thời để tăng năng suất, cải thiện quy trình và thúc đẩy tăng trưởng. Công nghiệp 4.0 cũng cho phép các nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh và chuỗi cung ứng cũng thông minh, làm cho các hệ thống sản xuất và dịch vụ trở nên linh hoạt và đáp ứng khách hàng hơn. Rất nhiều các công nghệ mới đã ra đời và việc xây dựng các quy hoạch KCN có tầm nhìn cần phù hợp và tận dụng được tiềm năng của công nghệ để xây dựng các KCN xanh, thông minh. Một số công và khả năng áp dụng trong định hướng quy hoạch KCN có thể bao gồm:

– Internet vạn vật (IoT): cho phép kiểm soát thông tin công trình, nhà máy, thông tin môi trường với mạng lưới máy móc, thiết bị và cảm biến được kết nối với nhau và với Internet từ đó phân tích, cải thiện năng suất, nâng cao hiệu quả quản lý.

– Robotics: thế hệ mới của robot và máy thông minh sẽ cải thiện đáng kể an toàn và năng suất trong các hoạt động xây dựng, sản xuất trong khu công nghiệp. Các khu công nghiệp và nhà máy sẽ trở nên thông minh hơn.

– Công nghệ Blockchain: Blockchain có thể được sử dụng để quản lý và bảo vệ dữ liệu từ các thiết bị IoT trong KCN. Ứng dụng Blockchain giúp đảm bảo tính toàn vẹn và an toàn của dữ liệu, tạo ra sự minh bạch và tin cậy trong việc chia sẻ dữ liệu từ đó góp phần hỗ trợ quá trình quản lý thông minh và tối ưu hoá hoạt động trong KCN xanh, thông minh.

– Trí tuệ nhân tạo AI: Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đóng vai trò quan trọng trong việc lập quy hoạch các khu công nghiệp xanh và thông minh bằng cách cung cấp các giải pháp thông minh và hiệu quả. AI có thể cung cấp thông tin và đề xuất các kịch bản quy hoạch dựa trên dữ liệu và xu hướng, giúp quyết định chiến lược phát triển cho khu công nghiệp. Ngoài ra, AI có khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu từ các nguồn khác nhau như cảm biến, hệ thống giám sát, và dữ liệu khác để phân tích xu hướng và dự đoán cách tốt nhất để quản lý các khu công nghiệp và nhiều ứng dụng khác.

– An ninh mạng: quy hoạch các khu công nghiệp thông minh cần định hướng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo ứng phó với các kịch bản rủi ro về an ninh mạng vì các nhà máy sản xuất thông minh với càng nhiều các ứng dụng công nghệ mới càng đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thông tin.

3.3. Xu thế kinh tế

Có một số xu thế kinh tế có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến định hướng phát triển công nghiệp của Việt Nam, bao gồm: sự chuyển dịch của các dòng vốn FDI, sự thu hẹp chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Các xu thế này có tác động cả tích vực và đặt ra các thách thức đối với vấn đề phát triển công nghiệp.

– Sự chuyển dịch dòng vốn FDI và sự tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu: Việt Nam đã và đang hưởng lợi từ sự chuyển dịch dòng vốn FDI từ các nước vào Việt Nam. Sự chuyển dịch này mang đến những cơ hội cho phát triển công nghiệp như: tiếp nhận được những công nghệ mới hiện đại, quy trình sản xuất hiệu quả giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo ra nhiều việc làm; nâng cao chuỗi giá trị…Tuy nhiên đi kèm với đó là những thách thức trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế chính sách thu hút đầu tư, chất lượng nhân lực, kiểm soát môi trường…

– Kinh tế xanh: phát triển kinh tế xanh đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch và sử dụng tài nguyên bền vững sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực lên sức khỏe con người. Đồng thời, kinh tế xanh cũng tạo ra cơ hội mới cho các ngành công nghiệp sạch, như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và quản lý chất thải. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức đáng kể bao gồm chi phí ban đầu cao cho việc chuyển đổi sang công nghệ và quy trình sản xuất mới, cũng như sự thay đổi trong cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp truyền thống.

– Kinh tế tuần hoàn: kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu lãng phí tài nguyên và tiêu thụ năng lượng, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực tái chế, sửa chữa và tái sử dụng. Các ngành công nghiệp tuần hoàn tạo ra việc làm mới, giảm thiểu tác động môi trường và tăng cường sự bền vững của hệ thống kinh tế. Một số thách thức của kinh tế tuần hoàn đối với phát triển công nghiệp bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng tái chế và công nghệ phù hợp, cũng như có thể làm thay đổi quy trình sản xuất, xử lý chất thải…, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

– Kinh tế số: kinh tế số mang lại nhiều cơ hội mới cho phát triển công nghiệp, . Các ngành công nghiệp số tăng cường sự hiệu quả và sự linh hoạt trong sản xuất và quản lý, đồng thời tạo ra nhiều công việc mới và tăng cường sự kết nối. Các thách thức đặt ra là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, quyền riêng tư và sự bảo vệ dữ liệu. Cần có các chính sách và quy định phù hợp để đảm bảo an toàn và bảo mật trong kinh tế số. Đồng thời, cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số hóa để tận dụng tối đa cơ hội từ kinh tế số.

3.4. Xu hướng xã hội

Xem xét các xu hướng xã hội khi nghiên cứu lập các quy hoạch KCN xanh, thông minh sẽ giúp đưa ra được các ý tưởng quy hoạch bền vững, có nhiều giá trị đóng góp cho xã hội bên cạnh các giá trị về kinh tế, bảo vệ môi trường. Các xu hướng xã hội bao gồm: tạo ra việc làm trong các ngành, lĩnh vực mới trong KCN; đáp ứng nhu cầu về môi trường sống an toàn, xanh, hiện đại bên trong và xung quanh KCN; thúc đẩy tương tác và kết nối giữa các doanh nghiệp, cộng đồng chính quyền địa phương thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tăng cường giao tiếp, chia sẻ thông tin và hợp tác trong KCN xanh, thông minh.

4. Một số giải pháp định hướng quy hoạch khu công nghiệp xanh, thông minh

4.1. Phương pháp tiếp cận

Quy hoạch khu công nghiệp xanh, thông minh cần một cách thức tiếp cận mới so với cách thức lập các quy hoạch khu công nghiệp truyền thống trước đây. Quy hoạch cần tiếp cận tổng hợp từ 5 yếu tố: kinh tế, công nghệ, hạ tầng, môi trường và xã hội. Các mục tiêu phát triển và các tiêu chí của KCN xanh, thông minh cần được lồng ghép khi nghiên cứu tiếp cận từ 5 yếu tố này.

 

 

Hình 2: Các yếu tố tiếp cận trong lập quy hoạch KCN xanh, thông minh

4.2. Một số giải pháp cho quy hoạch khu công nghiệp xanh, thông minh

(1). Giải pháp về chính sách và pháp lý

– Nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn, khung tiêu chuẩn và các bộ tiêu chí đối với các khu công nghiệp sinh thái, xanh, thông minh làm cơ sở cho việc thành lập, xây dựng và quản lý các dạng KCN này. Ví dụ như ban hành các tiêu chí về sử dụng năng lượng và môi trường cho KCN xanh, quy định tiêu chuẩn về thải, chất thải, tiếng ồn để đảm bảo các doanh nghiệp trong KCN tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

– Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi cho KCN xanh, thông minh; cắt giảm các thủ tục hành chính trong việc thành lập và chứng nhận cho các KCN dạng này. Bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng; cung cấp các khoản đầu tư, hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường… qua đó, khuyến khích doanh nghiệp phát triển hoặc chuyển đổi KCN theo hướng xanh, sinh thái. Đồng thời, xem xét áp dụng một số ưu đãi riêng cho những đơn vị phát triển hoặc chuyển đổi khu công nghiệp thành công.

(2). Xây dựng các quy hoạch có tầm nhìn dài hạn thông qua việc xác định các mục tiêu quy hoạch được tính toán dự báo chính xác, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Các nghiên cứu tiền khả thi ban đầu khi thực hiện phát triển một khu công nghiệp xanh, thông minh cần được xem xét ở tất cả các khía cạnh bao gồm: vị trí và sự phù hợp cho việc phát triển; các yếu tố hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và liên vùng; nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm xanh; các tiến bộ và xu hướng của khoa học công nghệ; hành lang pháp lý và các chính sách khuyến khích… Bên cạnh đó là đánh giá các thách thức và rủi ro tiềm ẩn đối với môi trường, với cộng đồng địa phương,…

(3). Giải pháp trong thiết kế ý tưởng quy hoạch

Các giải pháp thiết kế trong quy hoạch nhằm xây dựng KCN xanh, thông minh cần hướng đến các mục tiêu, tiêu chí của KCN. Một số giải pháp thiết kế có thể áp dụng:

– Thiết kế các KCN xanh với quan điểm thiết kế không cứng nhắc, áp đặt (ví dụ như cần bỏ quy định về cao độ nền thiết kế cho một số khu vực công nghiệp đặc thù), đưa ra các giải pháp thiết kế linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương, tận dụng được những ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng;

– Thiết kế hạ tầng giao thông ứng dụng các công nghệ và vật liệu mới, vật liệu tái chế như tro xỉ, bê tông tái chế, nhựa tái chế.. vừa đáp ứng các yêu cầu về tuổi thọ, độ bền của đường giao thông đồng thời đáp ứng các yêu cầu về công trình xanh, bảo vệ môi trường;

– Sử dụng các mô hình dự báo, mô hình tính toán thủy văn để thiết kế quy hoạch hệ thống thoát nước mặt và áp dụng vào để quản lý theo thời gian thực khi đưa KCN vào vận hành khai thác; ứng dụng các vật liệu thoát nước mới thân thiện và bảo vệ môi trường;

– Thiết kế hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông ứng yêu cầu của KCN thông minh ngay trong giai đoạn quy hoạch, bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng mạng, giải pháp về an toàn thông tin.

(4) Giải pháp xử lý và tái chế nước và chất thải

Đề xuất các giải pháp thu gom, xử lý và tái chế nước, chất thải trong KCN ngay từ giai đoạn lập quy hoạch. Các hệ thống xử lý nước thông minh giúp tối ưu hóa sử dụng nguồn nước và giảm lượng nước thải. Công nghệ tiên tiến như xử lý nước tái sử dụng và hệ thống kiểm soát tự động sẽ đảm bảo nước được tái chế và sử dụng một cách hiệu quả. Tương tự như vậy, tích hợp các quy trình, giải pháp tái chế chất thải vào quy hoạch rất quan trọng để giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Công nghệ tái chế hiện đại sẽ giúp giảm lượng chất thải không phân hủy và tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế.

(5). Giải pháp quy hoạch sử dụng năng lượng trong KCN

Quy hoạch sử dụng năng lượng trong KCN xanh, thông minh tập trung vào việc đầu tư và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và điện khí. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải carbon mà còn giảm chi phí hoạt động do sử dụng nguồn năng lượng sạch. Áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng thông minh giúp theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất. Công nghệ IoT (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo có thể giúp dự đoán và điều chỉnh tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực, tăng cường hiệu suất và giảm lượng năng lượng tiêu thụ không cần thiết.

(6). Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu liên thông về KCN

Cùng với xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành là đòi hỏi tất yếu đối với các KCN hiện đại. Để thực hiện được điều đó, quá trình quy hoạch cần có những dự báo, tính toán cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông trong KCN. Cơ sở dữ liệu của KCN cũng cần được số hóa ngay từ các giai đoạn quy hoạch, thiết kế ban đầu, làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý sau này. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của mạng lưới các KCN cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động cộng sinh công nghiệp. Các doanh nghiệp chia sẻ thông tin và dữ liệu về nguyên liệu, năng lượng, hóa chất, lượng nước tiêu thụ và chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất…. Đây là những dữ liệu thông tin cần thiết để xác định cơ sở cho việc thực hiện vệ sinh công nghiệp. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng sẽ được liên thông với hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp nhằm phục vụ tối ưu cho công tác xúc tiến, thu hút, hợp tác đầu tư và quản lý Nhà nước./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

@Hán Minh Cường on Instagram
This error message is only visible to WordPress admins

Error: No feed with the ID 1 found.

Please go to the Instagram Feed settings page to create a feed.

Press ESC to close