
10 THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ NGÀY GIỖ TỔ VÀ THỜI KỲ HÙNG VƯƠNG


Danh sách Vua Hùng bao gồm 18 người bắt đầu từ Kinh Dương Vương là người đầu tiên đến Hùng Duệ Vương là người cuối cùng. Tuy nhiên có nghiên cứu cho rằng 18 Vua Hùng không phải là 18 cá nhân cụ thể mà là 18 chi, ngành (mỗi chi có nhiều vị vua). Ngay cả con số 18 cũng là ước lệ. Lý do là vì thời kỳ Hùng Vương kéo dài hơn 2600 năm (từ năm 2879 TCN đến 258 TCN), như vậy nếu là 18 người thì mỗi người trung bình trị vì khoảng 150 năm (Trong Ngọc phả ghi chép ông Vua Hùng thứ 4 – Hùng Hoa Vương lên ngôi năm 2252 TCN, tại vị 342 năm đúng là chuyện khó tin).

Chúng ta hay gọi Hùng Hy Vương, Hùng Huy Vương, Hùng Duệ Vương… nhưng thực tế Vua Hùng không phải họ Hùng. Chữ Hùng ở đây có nhiều tài liệu giải thích khác nhau, ví dụ như sách Thái bình quảng ký của Trung Quốc nói “Vùng đất Giao Chỉ rất màu mỡ, di dân đến ở, thoạt đầu biết trồng cấy. Đất đen xốp. Khí đất hùng (mạnh). Vì vậy ruộng ấy gọi là ruộng Hùng, dân ấy là dân Hùng”. Các tài liệu lịch sử khác như “Lĩnh Nam chích quái” nói các Vua Hùng họ Hồng Bàng. Câu “Con Lạc cháu Hồng” cũng với ý chữ Hồng trong Hồng Bàng thị, thuộc dòng dõi Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Hầu hết mọi người đều chỉ biết tới 18 vị Vua Hùng, kết thúc bởi Hùng Duệ Vương (sau đó là Thục Phán – An Dương Vương đánh bại Vua Hùng cuối cùng để lập ra nhà nước Âu Lạc). Vậy Vua Hùng thứ 19 ở đâu mà ra?
Bản thần tích ở xã Vi Cương có chép rằng, vua Hùng thứ 19 chính là con trai trưởng của Hùng Duệ Vương, tên gọi là Hùng Kính Vương. Tuy nhiên sau ông lên ngôi được 6 năm thì mất. Vì Hùng Duệ Vương không có con trai nên lại phải quay lại ngai vàng.
Nếu mọi người đã từng nghe qua điển tích “Ngựa quen đường cũ” gắn với Quản Trọng thời Xuân Thu thì Hùng Kính Vương cũng có một câu chuyện tương tự. Chuyện là khi ông phân xử một Bồ chính và một lạc dân tranh nhau một con ngựa. Đến đêm, sau khi cho 2 người về, ông đã thả ngựa ra và đi theo. Cuối cùng tìm ra chủ nhân của con ngựa là người lạc dân còn Bồ chính bị xử phạt.

Mọi người ai cũng biết câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Nhưng ngày xưa, 10/3 âm lịch không phải là ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Mọi người tuỳ ý chọn ngày tốt để đi lễ bái Vua Hùng. Người dân ở xã Hy Cương (khu vực Đền Hùng ngày nay) chọn ngày 11/3 kết hợp với thờ Thổ kỳ để làm lễ riêng. Ngày này cũng được nêu trong Ngọc phả, nói rằng vua Lê Thánh Tông đã chọn ngày 11 và 12 tháng 3 làm ngày tổ chức lễ giỗ Tổ. Sau do thấy việc thờ cúng lễ bái diễn ra liên miên, tốn kém và chưa có sự thống nhất trên cả nước nên Tuần phủ Phú Thọ là ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (năm Khải Định thứ hai) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ xin lấy ngày 10/3 là ngày cả nước kính tế quốc Tổ Hùng Vương.
Năm 2001, Chính phủ công nhận ngày 10/3 là Quốc lễ. Đến năm 2007 thì chính thức công nhận là ngày nghỉ lễ toàn quốc.

Đến nay Việt Nam có 16 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận. Trong đó có 2 tín ngưỡng thờ cúng là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Ngày 6-12-2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ nhà mình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Tứ bất tử là 4 vị thần trong tín ngưỡng Việt Nam, đại diện cho những giá trị cốt lõi nhất của dân tộc qua nhiều thời đại. Ngoại trừ Thánh mẫu Liễu Hạnh xuất hiện ở thế kỷ XV-XVI thì 3 nhân vật còn lại là Tản viên Sơn thánh (Sơn tinh), Phù đổng Thiên vương (Thánh gióng), Chử đồng tử đều xuất hiện ở thời kỳ Hùng Vương. Điều đó thể hiện thời kỳ này là thời kỳ hình thành nền tảng tinh thần, văn hoá và tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.

Quần thể Đền Hùng với kiến trúc và quy mô chính như hiện nay được xây dựng dưới thời Hậu Lê thế kỷ 15 (hiện vẫn còn gác chuông từ thời Hậu Lê còn lại chủ yếu là kiến trúc thời Nguyễn). Tuy nhiên, từ xa xưa Đền Hùng do thôn Vi, thôn Trẹo (xã Hy Cương) xây dựng và tổ chức lễ hội làng He là hội làng xã Hy Cương, đông vui nên mới có câu:
“Sơn Tây vui nhất chùa Thầy
Vui thì vui gậy chẳng tầy hội He”.
Đến thời vua Đinh Tiên Hoàng thế kỷ X đã chính thức cho viết thần tích. Từ năm 1918 đến năm 1922, 18 tỉnh thành miền Bắc đã đóng góp 6000 đồng Đông Dương để trùng tu Đền Hùng, để lại các công trình kiến trúc như hiện nay.
Lễ hội Đền Hùng hiện nay được tổ chức với quy ước: năm chẵn, năm tròn thì Trung ương cùng tỉnh Phú Thọ tổ chức còn năm lẻ thì tỉnh tổ chức.

Ở cổng chính đi lên các đền (được xây dựng từ năm 1917), phía trên 2 ông hộ pháp có 4 chữ “ 行景山高” trước nay người ta thường đọc là “Cao sơn cảnh hành” với nghĩa là “Núi cao để mà trông, đường lớn để mà đi” nhưng thực chất 4 chữ này là ghép từ 2 câu trong Kinh thi:
高山仰止 (Cao sơn ngưỡng chỉ)
景行行止 (Cảnh hành hành chỉ)
Với ý nghĩa người có đức hạnh cao vời như núi cao để người khác ngước nhìn, người có phẩm hạnh rõ ràng, chính trực khiến người khác phải noi theo, học hỏi. Như vậy là để ca ngợi Vua Hùng và các bậc tiền nhân. Ngoài ra bên dưới cổng chính cũng có đôi câu đối với ý nghĩa:
“Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông về một mối
Lên cao nhìn khắp, nghìn trùng đồi núi tựa cháu con”.
Với ý nghĩa Nơi đây là đất gốc, cội nguồn dân tộc mà các Vua Hùng đã lựa chọn định đô trên mảnh đất sơn chầu thủy tụ, quy tụ non sông về một mối.

Năm nào cũng vậy, trước và sau ngày 10/3 đều có những cơn mưa mà người dân Phú Thọ tin rằng đây là những cơn mưa linh thiêng (mưa rào rất nhanh tạnh chứ không kéo dài). Những cơn mưa này trước ngày 10/3 làm cho không gian cúng tế được thanh tịnh, trang nghiêm, đón khách thập phương về dâng hương, sau ngày 10/3 lại mưa như để gột rửa bụi phàm trần trả lại không gian linh thiêng vốn có của Đền Hùng. Như vậy mưa rửa đền cũng như nghi thức “mộc dục” trong tín ngưỡng dân gian, tức là tắm tượng, các đồ thờ, linh khí trước khi thực hiện các nghi lễ trong mùa lễ hội.

Năm nay VnExpress viết một bài này rất chi tiết về các hoạt động lễ hội cũng như các tour du lịch và điểm ăn uống. Cả nhà có thể tham khảo ở đây:
Để lại một bình luận